Thịt nướng ngói, bánh bèo, hay đơn giản chỉ là những ly sữa đậu nành kèm theo vài ba chiếc bánh su kem béo ngậy đêm khuya… sẽ làm bạn yêu thêm những ngày mưa ở Đà Lạt.
Đà Lạt vốn được mệnh danh là thành phố buồn, mưa lại làm cho nơi này càng buồn thêm, thời tiết vừa lạnh lẽo, vừa ẩm ướt lại khó chịu. Nhưng nếu chịu khó một chút, ẩm thực nơi đây chắc chắn sẽ đem niềm hạnh phúc đến với bạn vào những ngày mưa.
Ốc bươu nhồi thịt ở Đà Lạt
Món này nổi tiếng tại một quán lâu đời trên đường Hai Bà Trưng. Vừa từ ngoài phố rét lạnh, bạn sẽ cảm nhận được hơi ấm ngay khi bước chân vào quán. Quán giữ nguyên thiết kế xưa cũ cách đây hàng chục năm, bốn bề là gỗ và có móc treo áo khoác, áo mưa cho khách. Không gian nơi này không rộng lắm, nhưng lúc nào cũng đông khách nên khá ấm cúng. Đôi khi bạn phải chờ 5 – 10 phút mới có chỗ trống.Món ốc bươu nhồi thịt tại đây rất nổi tiếng với người Đà Lạt. Thịt ốc bươu được nhồi chung với nạc heo, băm nhuyễn, thêm vài lát sả để khử mùi khiến cho bạn muốn ăn ngay khi nhìn thấy thố ốc thơm phức này. Chính chủ quán cho biết, sở dĩ món này đặc biệt là nhờ vào chén nước chấm với công thức pha chế gia truyền của cụ chủ quán đời thứ nhất.
Thịt nướng ngói ở Đà Lạt
Đúng như tên gọi của nó, thay vì dùng vỉ, quán sử dụng viên ngói âm dương để nướng. Viên ngói được đặt trên một bếp than hồng, quét một lớp dầu ăn lên trên để khi nướng thịt không bị dính. Món chính của những quán này là các món thịt heo, bò, hải sản, thịt rừng được tẩm gia vị thơm ngon ăn với đĩa rau xà lách trộn dầu dấm rất hấp dẫn. Rau tươi, thịt ngon kèm theo bầu rượu chính là điểm 10 cho những ngày mưa. Du lịch Đà Lạt, đừng ngại xa xôi mà hãy tìm đến những quán nướng ngói đặc biệt này trên đường Nguyễn Lương Bằng hoặc An Dương Vương, một số quán tiêu biểu như: Cu Đức, Cu Tây, Hải Mập,…
Nem nướng Đà Lạt tương tự như nem nướng Nha Trang, được làm từ nạc heo xay rồi quết chặt lên một cây đũa, nướng chín, ăn chung với bánh tráng cuốn nhỏ chiên giòn, đồ chua và rau thơm. Điểm nhấn chính là nước chấm được làm từ gan, tôm, thịt và đậu xay nhuyễn tạo thành một hỗn hợp rất đặc biệt. Không gì thích hợp để ăn vào những ngày mưa bằng những cuốn thịt vừa thơm, vừa béo lại giòn tan này. Bạn có thể tìm những quán bán nem nướng ngon như: Nem nướng Bà Nghĩa, Nem nướng Bà Hùng. Tất cả đều ở những con đường gần trung tâm Thành phố, trên đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn thụ hoặc Bùi Thị Xuân.
Bánh bèo Đà Lạt
Bánh bèo Đà Lạt giống như bánh bèo miền Trung. Phần bánh được làm từ bột gạo, hơi dẻo. Nước sốt làm từ tôm, thịt băm nhỏ, thêm một ít da lợn chiên giòn và chén nước nắm chua ngọt bên cạnh. Bánh bèo ở đây thường được ăn kèm với những cây chả bò hoặc heo nho nhỏ thơm mùi tỏi. Món này nổi tiếng nhất ở đường Phan Đình Phùng, Ấp Ánh Sáng, rất thích hợp để ăn vào những chiều mưa rả rích.
Bánh mì xíu mại chén
Chắc hẳn bất cứ ai từng đến đây đều không còn quá xa lạ với món bánh mì xíu mại trứ danh này. Bánh mì luôn được hơ nóng bên bếp than nhỏ để giữ độ giòn, ấm, ăn kèm với chén xíu mại cay cay, thêm ít đu đủ chua, rau thơm chính là món tuyệt hảo vào những đêm Đà Lạt ẩm ướt. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những quán bánh mì nho nhỏ nép mình dọc con dốc gần chợ Đà Lạt. Có thể gọi bánh mì xíu mại là một trong những “đặc sản” của nơi đây.
Sữa đậu nành bò và bánh su kem
Nành bò là tên gọi tắt của món sữa đậu nành pha với sữa bò, món thức uống rất đơn giản nhưng lại vô cùng hút khách, có nhiều du khách đặt cho cái tên ví von “sữa ôm Đà Lạt”. Ngay góc đường Tăng Bạt Hổ, gần chợ Đà Lạt bán rất nhiều loại sữa và bánh để ăn khuya như sữa đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, bánh su kem… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món sữa nành bò ăn chung với bánh su kem. Nơi này chỉ bán buổi tối, rất gần điểm bán bánh mì xíu mại. Trời mưa lâm râm thường ít khách, bạn có thể mua một ổ bánh mì rồi đi bộ đến đây, ngồi dưới mái hiên uống một ly sữa nóng, ngắm mưa. Một đêm mưa Đà Lạt đơn giản mà lại rất lãng mạn.
Khoai lang mật nướng bờ hồ Xuân Hương
Một món ăn tuy giản dị, và dễ thấy ở bất cứ nơi đâu, nhưng khi đến với Đà Lạt bạn sẽ thưởng thức với một cảm giác đặc biệt. Chạm tay và bóc từng miếng vỏ khi củ khoai còn nóng hổi, miệng thổi phù mới thích làm sao. Không cầu kì trong nguyên liệu và cách chế biến. Khoai được chọn để nướng thường là khoai lang nghệ, khi ăn thấy ngọt, thơm và mềm. Loại khoai này không có sơ, vị thơm đặc trưng không giống nhiều loại khoai khác. Không khó trong khâu nướng khoai nhưng nó đòi hỏi một sự khéo léo với người thực hiện, lửa không được quá to vì nếu không sẽ làm mất vị thơm bên trong củ khoai. Những củ khoai lang nướng chín lục, vỏ khoai phải cứng lại chứ không nở bong ra ngoài. Với những ai thích ăn đồ ngọt, tán gẫu chuyện trò với bạn bè và thích cái thơm nồng của một góc phố về đêm thì những củ khoai lang bốc hơi nghi ngút chính là món ăn thích hợp nhất. Có lẽ khoai lang nướng hấp dẫn mọi người đến thế không chỉ bởi cái mộc mạc, giản dị vốn có mà nó chiếm được cảm tình của nhiều người từ chính vị mặn mà trong vị ngọt, vị ấm nóng xua đi giá lạnh cô đơn ngày đông. Phải chăng vì thế nó cũng trở thành một phần nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của mảnh đất cao nguyên.
Một mặt khác đối với người dân Đà Lạt thì trong cái vội vã của dòng người trên những con đường khi kết thúc một ngày làm việc vất vả, bất chợt mùi thơm đặc trưng của khoai lang nướng phảng phất đâu đây, bao mệt mỏi căng thẳng thay bằng cảm giác bình yên nơi thôn quê. Bất chợt hình ảnh vỉ khoai lang nướng làm ấm lòng ai đó khi nhớ về tuổi thơ của mình…
Một mặt khác đối với người dân Đà Lạt thì trong cái vội vã của dòng người trên những con đường khi kết thúc một ngày làm việc vất vả, bất chợt mùi thơm đặc trưng của khoai lang nướng phảng phất đâu đây, bao mệt mỏi căng thẳng thay bằng cảm giác bình yên nơi thôn quê. Bất chợt hình ảnh vỉ khoai lang nướng làm ấm lòng ai đó khi nhớ về tuổi thơ của mình…
Leave a Reply